Điều chỉnh giá điện
Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành tại Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, có hiệu lực từ ngày 15/5/2024. Theo đó, hàng năm, giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng/lần kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Nếu giá điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán hiện hành thì được điều chỉnh giảm tương ứng. Ngược lại, nếu giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính Nhà nước
Nghị định 29/2024/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/5/2024. Theo đó, tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý bao gồm: Về chính trị tư tưởng; về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; về trình độ; về năng lực và uy tín; về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác.
Ngoài ra, một số trường hợp đặc thù áp dụng tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm. Điển hình như trường hợp bổ nhiệm nhân sự từ nguồn bên ngoài thì không nhất thiết phải bảo đảm tiêu chuẩn đã kinh qua vị trí chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý ở vị trí cấp dưới trực tiếp tại cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến bổ nhiệm. Trường hợp người giữ chức vụ, chức danh quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Nghị định 29/2024/NĐ-CP được bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh tương đương (hoặc kiêm nhiệm chức vụ, chức danh khác) thì không nhất thiết phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn của chức vụ, chức danh tương đương hoặc kiêm nhiệm.
Trường hợp đang công tác trong lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước, phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Nghị định này, nhưng không phải đáp ứng ngay tiêu chuẩn về quản lý Nhà nước theo quy định của chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm. Đối với các trường hợp này, phải hoàn thiện tiêu chuẩn trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định bổ nhiệm.
Việc xét tặng danh hiệu
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 36/2024/NĐ-CP, Nghị định 35/2024/NĐ-CP, đều có hiệu lực trong tháng 5/2024. Cụ thể: Nghị định 36/2024/NĐ-CP quy định về giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, có hiệu lực từ ngày 20/5/2024. Nghị định 35/2024/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú có hiệu lực từ ngày 25/5/2024. Với giải thưởng về văn học, nghệ thuật, tác giả được nhận Bằng chứng nhận của Chủ tịch nước, tiền thưởng và các quyền lợi khác. Với danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, người được phong tặng sẽ được nhận Huy hiệu, Bằng chứng nhận của Chủ tịch nước, tiền thưởng và quyền lợi khác…
9 loại hàng hóa nguy hiểm vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy
Nghị định 34/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2024, quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa. Nghị định này thay thế Nghị định 42/2020/NĐ-CP, ngày 8/4/2020.
Cụ thể: Loại 1 gồm chất nổ và vật phẩm dễ nổ. Loại 2 gồm khí dễ cháy, khí độc hại. Loại 3 là chất lỏng dễ cháy, chất nổ lỏng khử nhạy. Loại 4 là chất rắn dễ cháy, chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy. Loại 5 là chất ô-xy hóa, perôxit hữu cơ. Loại 6 là chất độc, chất gây nhiễm bệnh. Loại 7 là chất phóng xạ. Loại 8 là chất ăn mòn. Loại 9 là chất và vật phẩm nguy hiểm khác. Các bao bì, thùng chứa hàng hóa nguy hiểm nhưng chưa được làm sạch bên trong và bên ngoài sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm, cũng được coi là hàng hóa nguy hiểm tương ứng.
Mức phạt khai thác thủy sản trong khu vực cấm
Nghị định 38/2024/NĐ-CP, ngày 5/4/2024 của Chính phủ quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/5/2024.
Theo đó, phạt tiền từ 70 - 90 triệu đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên làm nghề lưới kéo, nghề và ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu mực) khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác, hoặc khu vực cấm khai thác có thời hạn, mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi vi phạm quy định về quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bị phạt từ 10 - 200 triệu đồng. Hành vi vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn biển bị phạt từ 50 - 200 triệu đồng. Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam, hoặc chưa được công nhận, chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Điều kiện thành lập cụm công nghiệp
Chính phủ ban hành Nghị định 32/2024/NĐ-CP, ngày 15/3/2024 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1/5/2024. Nghị định quy định thành lập cụm công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau: Có trong Danh mục các cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện; có doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có tư cách pháp lý, có năng lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Trong trường hợp địa bàn cấp huyện đã thành lập cụm công nghiệp thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đạt trên 50% hoặc tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các cụm công nghiệp không vượt quá 100ha.
Nguồn tin: Hoàng Thắm theo Báo An Giang
Ý kiến bạn đọc