Năm 2006, cô Nguyễn Thị Xuân xin vào giảng dạy tại Trường THCS Tân Tiến cho đến nay. Hơn 12 năm công tác, cô luôn chú tâm trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi phương pháp dạy học sao cho học sinh dễ hiểu nhất.
Để học trò tiếp thu kiến thức hiệu quả, trong quá trình soạn giáo án, cô Xuân luôn nghiên cứu kỹ tài liệu giảng dạy, soạn bài đúng nội dung bộ môn, thể hiện rõ hoạt động của giáo viên và học sinh. Đồng thời sử dụng thiết bị dạy học sẵn có ở trường cũng như tìm tòi, sáng tạo ra các đồ dùng trực quan phục vụ cho tiết dạy, tạo hứng thú cho học sinh để giờ học đạt hiệu quả cao hơn.
Cùng với đó, trong mỗi giờ học nâng cao, cô Xuân chia nhóm học sinh theo lực học để giảng dạy phù hợp, lồng ghép kiến thức mới vào từng bài học cụ thể để các em phát huy được tính sáng tạo; lồng ghép giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, nề nếp... giúp học sinh phát triển toàn diện hơn.
Nhờ sự nhiệt huyết của sức trẻ cộng với sự sáng tạo trong giảng dạy nên hơn 12 năm công tác trong ngành giáo dục, năm nào cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nổi bật, năm học 2017-2018, cô được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Phú phân công làm Tổ trưởng Tổ ôn luyện học sinh giỏi môn Vật Lý cấp tỉnh, trong số 10 học sinh của đội tuyển dự thi thì có 9 em đạt học sinh giỏi môn Vật Lý cấp tỉnh, trong đó có 2 giải nhì, 4 giải ba, 3 giải khuyến khích.
Bên cạnh đó, trong những năm công tác tại Trường, cô Xuân còn bồi dưỡng nhiều học sinh đoạt giải cao trong các hội thi Violympic Vật Lý cấp huyện, tỉnh. Đặc biệt, Trường THCS Tân Tiến có hơn 10 học sinh do cô bồi dưỡng thi đậu vào Trường THPT chuyên Quang Trung (ngôi trường luôn đứng top đầu cả nước) môn Vật Lý. Nhiều năm liền cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh, được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Cô Xuân chia sẻ: “Để đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, theo tôi đầu tiên phải kể đến sự tâm huyết của giáo viên. Từ đó, nghiên cứu những phương pháp giảng dạy phù hợp từng đối tượng học sinh, từng lớp học và thiết kế bài giảng sao cho phát huy được năng lực của các em. Trong quá trình giảng dạy chú ý quan tâm từng học sinh để các em có thể tự tin khi xây dựng bài. Mặt khác, tập trung nghiên cứu những sáng kiến kinh nghiệm thiết thực áp dụng vào thực tiễn giảng dạy, góp phần nâng cao thành tích dạy và học của trường”.
Càng ấn tượng hơn về thành tích của cô Xuân, khi sản phẩm “Dung dịch chỉ thị màu và giấy quỳ tím từ cánh hoa dâm bụt”, do cô chế tạo ra đã giải ba cấp huyện và giải khuyến khích cấp tỉnh trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ IV (2016-2017).
Nói về sản phẩm này, cô Xuân cho biết: “Trong quá trình giảng dạy thí nghiệm hóa học phải sử dụng rất nhiều dung dịch để cho các em thực hành. Các loại hóa chất này tốn nhiều tiền, trong khi kinh phí của trường còn khó khăn. Để giúp cho các em thực hiện hiệu quả cũng như tiết kiệm kinh phí cho nhà trường nên tôi đã nảy ra ý tượng chế tạo dung dịch nhằm thay thế cho dung dịch hiện đang sử dụng. Sau một thời gian nghiên cứu, tôi đã chế tạo thành công dung dịch chỉ thị màu và giấy quỳ tím từ cánh hoa dâm bụt”.
Theo cô Xuân, dung dịch của cánh hoa dâm bụt sẽ tạo ra chất chỉ thị mới có tính chất giống giấy quỳ tím như: axit làm quỳ tím chuyển sang màu đỏ và bazơ (hợp chất hóa học) làm quỳ tím chuyển sang màu xanh. Sáng kiến có thể áp dụng rộng rãi trong phòng thí nghiệm và giảng dạy, cũng như giúp tiết kiệm chi phí cho các trường THCS, THPT và đại học.
Nguồn tin: Thanh Hà - khoahocthoidai.vn
Ý kiến bạn đọc