Theo báo cáo của huyện Hớn Quản, giai đoạn 2020-2023, huyện đã triển khai thực hiện 7 mô hình nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào đời sống. Đồng thời, huyện cũng đã phối hợp với Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh xây dựng 4 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm của địa phương; hỗ trợ các chủ thể xây dựng được 12 sản phẩm OCOP; vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện đăng ký xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp... Ngoài ra, UBND huyện còn tổ chức thành công hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật định kỳ theo đúng kế hoạch và đạt kết quả tốt.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bùi Thị Minh Thúy đánh giá hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn huyện Hớn Quản thời gian qua đã có những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế cần có giải pháp khắc phục. Do vậy, trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND huyện chuyển giao, ứng dụng một số đề tài, nhiệm vụ khoa học đã được Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh nghiệm thu vào thực tiễn; xây dựng mô hình, hoàn thiện quy trình sản xuất trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGap cho các tổ, hợp tác xã; xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc trưng của huyện...
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cũng mong muốn huyện Hớn Quản thực hiện tốt hơn nữa công tác truyền thông về khoa học và công nghệ để các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch về khoa học và công nghệ đến với các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân.
Trước khi làm việc, đoàn đã đi thăm mô hình nông nghiệp hữu cơ sản xuất lúa “3 tăng - 3 giảm” ở xã Phước An và mô hình sản xuất gạo An Khương. Đây là các mô hình đã ứng dụng khoa học công nghệ đạt hiệu quả trên địa bàn huyện Hớn Quản.
Nguồn tin: K.C theo Hiền Lương - Trương Hiện (Bình Phước online)
Ý kiến bạn đọc