Đề tài do Viện Khoa học vật liệu ứng dụng thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thực hiện. Đề tài hướng đến xây dựng được các biện pháp sinh học để phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, xây dựng vùng nguyên liệu sạch bệnh, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hướng đến nền nông nghiệp an toàn, tăng giá trị, lợi nhuận cho xã hội và phát triển bền vững vùng tiêu, cà phê, điều tại tỉnh Bình Phước và một số vùng trọng điểm các tỉnh phía Nam.
Báo cáo tại cuộc họp, thạc sĩ Thân Quốc An Hạ, chủ nhiệm đề tài cho biết nhóm tác giả bám sát đề cương và đánh dấu, xác định được vị trí khảo sát, số lượng mẫu thu cụ thể tại huyện Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh, Hớn Quản và thị xã Bình Long. Qua điều tra thực trạng canh tác và xác định nguyên nhân dẫn đến bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu là do sự kết hợp của nấm Fusarium falciforme strain DTO 422-H8 với 2 loại tuyến trùng Xiphinema spp hoặc Meloidogyne spp.
Nhóm tác giả cũng đã nghiên cứu chế tạo, đánh giá hiệu lực và đề xuất 2 chế phẩm chiết xuất sinh học có khả năng phòng và trị bệnh chết nhanh, chết chậm trên tiêu đen đã được ứng dụng, chấm điểm trên 7 tiêu chí tại các vườn tiêu thử nghiệm trên địa bàn tỉnh. (Sau 1 năm áp dụng quy trình quản lý tổng hợp, sử dụng chế phẩm sinh học, các vườn tiêu được thử nghiệm đã giảm tỷ lệ cây tiêu chết trong vườn từ trên 20% xuống còn 0,7%. Tất cả cây tiêu có dấu hiệu bệnh đều được phục hồi, đâm chồi non và phát triển tốt, đặc biệt cho năng suất cao hơn 50% so với vườn tiêu khác trong vùng).
Tại cuộc họp, nhóm tác giả cho rằng việc ứng dụng quy trình tổng thể đạt hiệu quả cao bằng việc kết hợp giữa quản lý, phòng và trị bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân canh tác hồ tiêu. Qua đó, đánh giá được hướng đi đúng đắn của sản phẩm chiết xuất sinh học phục vụ riêng cho cây tiêu trong quy mô trên địa bàn tỉnh.
Sau khi nghe tư vấn, đánh giá từ các nhà phản biện và thành viên, hội đồng đã xếp loại đề tài đạt và cho triển khai ứng dụng chế phẩm sinh học có tiềm năng đã được nhóm tác giả nghiên cứu đến nông dân canh tác hồ tiêu trên địa bàn tỉnh.
Nguồn tin: Kiên Cường theo Báo Bình Phước online
Ý kiến bạn đọc