Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, học viện, viện, trường đại học, tổ chức kinh tế, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Học viện Hành chính quốc gia, các trường đại học, các tập đoàn, tổng công ty; lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, kinh tế của Bình Phước tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng cao qua từng năm, ước bình quân giai đoạn 2020-2025 trên 9%; các chỉ tiêu về kinh tế cơ bản thực hiện đạt kế hoạch đề ra.
Quy hoạch tỉnh Bình Phước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1489 ngày 24-11-2023 xác định mục tiêu “Đến năm 2030 Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững”, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ. Từ kết quả thực hiện của giai đoạn 2020-2025, để có thể khai thác tốt các tiềm năng lợi thế, phát huy những kết quả đạt được và khắc phục các tồn tại, hạn chế để hiện thực hóa được mục tiêu năm 2030 theo quy hoạch tỉnh, Văn kiện Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh cần xác định được định hướng rõ ràng, cụ thể; các giải pháp, bước đi phù hợp; các trọng tâm cần tập trung nguồn lực để đầu tư…, làm cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch, chính sách và triển khai thực hiện đạt kết quả.
Với 12 bài tham luận, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, lãnh đạo các tập đoàn, tổ chức kinh tế, hội thảo đã đi sâu phân tích làm rõ các vấn đề về cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế của tỉnh, tập trung vào 6 nhóm nội dung: Đánh giá thực trạng, các tiềm năng, lợi thế; quan điểm và mục tiêu phát triển của tỉnh; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội; phát triển ngành công nghiệp, thương mại; cơ cấu lại ngành nông nghiệp; huy động nguồn vốn đầu tư từ kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Bình Phước có tiềm năng về đất đai. Đặc biệt, đất đai tại Bình Phước rất màu mỡ, chủ yếu là đất đỏ bazan và khí hậu ôn hòa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày. Lợi thế về đất đai cũng là cơ hội để tỉnh thu hút các nhà đầu tư vào phát triển các khu công nghiệp, đô thị. Để phát huy tiềm năng phát triển nông nghiệp, Bình Phước cần chuyển đổi từng bước mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển các chuỗi giá trị nông sản, tập trung vào chế biến sâu các sản phẩm chủ lực. Bình Phước tập trung phát triển mạnh mô hình kinh tế trang trại hiện đại và các vệ tinh xung quanh kinh tế trang trại. Từ đó, các trang trại quy mô lớn sẽ được đầu tư với công nghệ tiên tiến, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững và hiệu quả. Đồng thời việc ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Thời gian qua, Bình Phước đã quan tâm phát triển các tuyến giao thông kết nối vùng nhằm tạo ra các hành lang vận tải để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các tuyến giao thông chính theo các trục động lực chưa đồng bộ đáp ứng nhu cầu giao thông. Trong khi giao thông kết nối khu vực có tính chất liên vùng, khi xây dựng phải đảm bảo tính đồng bộ mới phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bình Phước cần phải có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các địa phương lân cận. Trong điều kiện có hạn về nguồn vốn đầu tư, Bình Phước cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành lân cận trong quá trình triển khai các dự án giao thông trọng điểm của quốc gia, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ được đầu tư.
Thạc sĩ Lê Bá Thảo, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Miền Nam
Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh: Các ý kiến phát biểu, trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý liên quan đến phát triển kinh tế đã tập trung làm rõ những nội dung: Tình hình phát triển kinh tế của Bình Phước; những cơ hội, thách thức và định hướng phát triển; những vấn đề lý luận về phát triển kinh tế và vận dụng vào điều kiện cụ thể của tỉnh để đề xuất các giải pháp trên các lĩnh vực cụ thể: nông nghiệp, công nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội; khẳng định khả năng của tỉnh trong kết hợp chặt chẽ các yếu tố để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, thu hẹp chênh lệch với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền khẳng định: Các tham luận và ý kiến tại hội thảo đã mang đến góc nhìn mới mẻ, kết hợp chặt chẽ giữa luận cứ khoa học với thực tiễn. Điều này giúp tỉnh nhận rõ nét hơn những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế Bình Phước trong thời gian tới. Các tham luận cũng là những kinh nghiệm quý, tâm huyết, gợi mở nhiều nội dung về xây dựng các mô hình kinh tế của tỉnh phù hợp với xu hướng hiện nay.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Tiểu ban văn kiện, Tổ biên tập tập trung nghiên cứu sâu các ý kiến, tham luận để tiếp thu tối đa, chọn nội dung phù hợp bổ sung, hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội XII Đảng bộ tỉnh. Trên cơ sở đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chủ trương, chính sách để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế tỉnh nhà thời gian tới.
Nguồn tin: Phí Nhung theo Bình Phước online:
Ý kiến bạn đọc