Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm, chăm sóc NCT, giúp họ phát huy vai trò trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của NCT ngày càng được nâng lên, các cụ sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Vốn quý của xã hội
Tháng 6-1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi các cụ phụ lão trong cả nước. Người nhấn mạnh: “Trách nhiệm của các cụ phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ của đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão góp sức. Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng. Đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng, phụ lão làm nhân dân làm theo”.
Hơn 80 năm qua, những nhận định, đánh giá về NCT của Bác Hồ vẫn vẹn nguyên giá trị. NCT Việt Nam là lớp người được sự lãnh đạo của Đảng, đã đem nhiệt huyết của mình xả thân cho sự nghiệp cách mạng; là lớp người đi đầu khai phá con đường đổi mới, góp phần không nhỏ tạo ra những thành tựu quan trọng của đất nước. Họ kiên định lý tưởng độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, tận tụy, trung thành với Tổ quốc, với nhân dân. Đất nước ta đang trên đường đổi mới, đời sống của nhân dân đã và đang được cải thiện. Sự trường thọ của con người không phải là gánh nặng của xã hội mà ngược lại, NCT là tài sản vô giá của xã hội, là chỗ dựa tinh thần rất quan trọng cho gia đình, xã hội.
Vai trò người cao tuổi được phát huy
Hiện nay, nước ta có gần 17 triệu NCT (gần 17% dân số cả nước), trong đó có 2.612.260 người hơn 80 tuổi. Trong bối cảnh dân số nước ta đang già hóa nhanh, tỷ lệ NCT sẽ tiếp tục tăng nhanh. Theo Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam: Đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi sẽ tăng lên 20% và đến năm 2050 là trên 30%. Tỷ lệ NCT trên 80 tuổi cũng sẽ tăng và đến năm 2050 chiếm hơn 6% dân số. Tuổi thọ bình quân của Việt Nam những năm gần đây tăng, nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh hiện nay chỉ đạt 64 tuổi. Thực tế này đặt ra yêu cầu, trách nhiệm ngày càng cao đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác chăm lo NCT.
Tại tỉnh Bình Phước hiện có 65.648 NCT tham gia sinh hoạt hội, trong đó hội viên dưới 60 tuổi là 1.924 người, hội viên từ 60 tuổi trở lên là 63.724. Phần đông hội viên NCT còn sức khỏe vẫn tiếp tục nêu gương sáng trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Toàn tỉnh đã có 116 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau phát huy hiệu quả, với tổng gần 6.000 thành viên ở 85 xã, phường, thị trấn. Hiện nay, hầu hết các câu lạc bộ đều có quỹ cho thành viên vay với lãi suất thấp để đầu tư phát triển kinh tế, sửa chữa và xây nhà. Thông qua các câu lạc bộ này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên NCT, xây dựng tổ chức hội cơ sở vững mạnh.
Với vai trò “cây cao bóng cả”, NCT ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang đi đầu nêu gương sáng trong các phong trào phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biên giới, lan tỏa tinh thần thi đua yêu nước đến mỗi người dân. Các cấp, ngành trong tỉnh luôn quan tâm chăm lo NCT để họ sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, góp thêm sức mạnh phát triển quê hương.
Ông Nguyễn Công Sởi, Chủ tịch Hội NCT tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 1.524 NCT làm kinh tế giỏi, 411 NCT là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, trang trại, doanh nghiệp, đóng góp vào ngân sách và tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động địa phương. “Theo tôi, tùy sức khỏe và khả năng của mình, NCT có thể lựa chọn các hoạt động phù hợp để tham gia. Khi NCT tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế… vừa tạo niềm vui, sức khỏe và đem lại lợi ích chính đáng góp phần cải thiện, nâng cao đời sống” - ông Sởi chia sẻ.
Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi
Công tác chăm sóc, phụng dưỡng NCT là nhiệm vụ trọng tâm thể hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCT. Những năm qua, các cấp hội NCT trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm triển khai nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để nâng cao đời sống tinh thần, rèn luyện sức khỏe cho NCT. Toàn tỉnh hiện có 830 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, với nhiều loại hình khác nhau thu hút 19.078 NCT tham gia sinh hoạt. Đây là nơi để NCT giao lưu, rèn luyện sức khỏe, chia sẻ tâm giao, bầu bạn tuổi già.
“Có thể nói hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao là một trong những hoạt động rất sôi nổi của NCT ở cơ sở hiện nay. Thông qua các hoạt động này, NCT sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Để động viên phong trào, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm tổ chức hội thi, hội thao, tạo sân chơi bổ ích cho NCT”.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh
Nguyễn Công Sởi
“Tinh thần là một trong những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng tới sức khỏe NCT. Trong số các bệnh gây tử vong hàng đầu thì người già thường mắc các bệnh liên quan đến chuyển hóa, bệnh không lây nhiễm như đột quỵ, tim mạch, đái tháo đường... Do đó, để nâng cao sức khỏe NCT thì công tác dự phòng bệnh đóng vai trò quan trọng. Để làm được điều đó, bản thân NCT phải duy trì thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ, có sổ theo dõi bệnh và tuân thủ việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ”.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thanh Hùng, Trưởng khoa Tim mạch - Lão học, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước
Để NCT trên địa bàn tỉnh được chăm sóc ngày càng tốt hơn, đặc biệt NCT ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa và những trường hợp không nơi nương tựa, thời gian tới, các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, thay đổi suy nghĩ của một bộ phận người dân về quyền, nhu cầu chăm sóc NCT.
Quan tâm, chăm sóc chu đáo NCT để họ sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Để rồi dựa vào “bóng bách, bóng tùng”, những nét đẹp văn hóa trong ứng xử, truyền thống “trên kính dưới nhường”, những chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình sẽ mãi được lưu truyền và tiếp nối.
Nguồn tin: BBT theo Đài PTTH&BBP:
Ý kiến bạn đọc