Tọa đàm thu hút nhiều bài tham luận, ý kiến của cán bộ, giảng viên, nhà khoa học nhằm làm rõ vai trò, trách nhiệm của giảng viên Trường Chính trị tỉnh trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tiến sĩ Lê Nguyễn Thị Ngọc Lan khẳng định, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác giảng dạy và nghiên cứu ở các trường chính trị cấp tỉnh hiện nay. Điều này được thể hiện rõ trong Hướng dẫn 475 ngày 24-9-2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên đối với việc tăng cường kết hợp giáo dục lý luận chính trị với giáo dục, định hướng cho người học về nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trong tình hình mới là việc làm cần thiết, cấp bách, là trách nhiệm của các trường chính trị và của từng đảng viên.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng thời gian qua, giảng viên Trường Chính trị tỉnh đã luôn cố gắng đóng góp các bài giảng, bài viết để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng việc lồng ghép chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giải đáp các thắc mắc, định hướng tư tưởng cho học viên. Ngoài ra, trong các bài viết khoa học, tạp chí, tọa đàm..., công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đội ngũ giảng viên các trường chính trị cũng không kém phần sôi nổi.
Bên cạnh những kết quả tích cực, các đại biểu thẳng thắn cho rằng đội ngũ giảng viên trường chính trị vẫn còn những hạn chế nhất định trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Điều đó thể hiện ở số ít giảng viên chưa tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong kiểm tra, đánh giá học viên. Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học về nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đối với một số giảng viên chưa được chú trọng thực hiện…
Nhận diện một số thách thức đối với giảng viên, nhất là trong giai đoạn bùng nổ công nghệ thông tin, tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã mạnh dạn chia sẻ, đề xuất một số giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cũng như đào tạo ra đội ngũ học viên “vừa hồng, vừa chuyên”, có lý luận, có kiến thức thực tiễn, biết lắng nghe, phân tích tình hình, nhận biết nhanh nhạy các luận điệu sai trái…
Thách thức lớn nhất mà giảng viên lý luận chính trị phải đối mặt đó là sự phức tạp của thực tế xã hội hiện nay. Sự biến đổi nhanh chóng trong kinh tế - xã hội và chính trị đặt ra một tầm cao mới về kiến thức và kỹ năng cho các giảng viên. Do đó, để cung cấp thông tin chính xác và thú vị cho học viên, đòi hỏi người giảng viên phải nắm vững thông tin, dữ liệu mới nhất về các xu hướng và diễn biến trong trong lĩnh vực chính trị. Ngoài cập nhật liên tục kiến thức thông qua việc tham gia các khóa học đào tạo, hội thảo, hợp tác nghiên cứu, giảng viên cần đổi mới, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy nhằm giữ cho nội dung bài giảng luôn phản ánh được những thay đổi và tiến triển của xã hội.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ninh, Trưởng Khoa Lý luận Cơ sở
Theo quy chế giảng viên hàng năm phải đi thực tế có kỳ hạn 15 ngày, hoặc 1 năm. Thực hiện nghiêm việc này sẽ đảm bảo giúp giảng viên tiếp cận và hiểu sâu hơn về tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, từ đó có thêm tư liệu cần thiết để đưa vào bài giảng một cách thiết thực và hiệu quả.
Thạc sĩ Đoàn Văn Dương, Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng
Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Thị Khuyến, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng đề cập đến vai trò của học viên trường chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Khuyến, học viên trường chính trị là những cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên. Đây là đội ngũ được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn, lập trường tư tưởng vững vàng. Do đó, khi tham gia các lớp lý luận chính trị tại trường sẽ giúp học viên hiểu rõ hơn, sâu sắc, cặn kẽ vấn đề và vận dụng vào thực tiễn có hiệu quả. Đây được xem là giải pháp căn bản để học viên tham gia tích cực vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch.
Nguồn tin: BBT theo Đài PTTH&BBP:
Ý kiến bạn đọc