Bài 1:
NHỮNG NGƯỜI CON CỦA ĐẢNG
95 năm từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã ôm vào lòng hàng triệu người con ưu tú với đủ mọi thành phần, dân tộc, ở nhiều vùng miền khác nhau. Qua quá trình rèn luyện, giáo dục của Đảng, những người cộng sản đã trưởng thành và khẳng định phẩm chất cách mạng của mình trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Sức mạnh của Đảng, niềm tin của nhân dân vào Đảng được củng cố bởi những người đảng viên kiên trung, bất khuất.
“Đảng ta, muôn vạn tấm lòng niềm tin”
Trước khi Đảng CSVN được thành lập, đất nước ta đang chìm trong bóng tối của chế độ thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế, văn hóa, xã hội kém phát triển, đời sống nhân dân lầm than. Các cuộc khởi nghĩa của những chí sĩ yêu nước trong giai đoạn này đều thất bại do khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài, như khởi nghĩa Yên Thế (năm 1887-1913), Thái Nguyên (năm 1917-1918), Yên Bái (năm 1930)… Trong 72 năm kể từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (1858) đến trước khi Đảng CSVN được thành lập (năm 1930), đã có hàng trăm cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta nổ ra để giành độc lập dân tộc, nhưng đều thất bại. Một phép tính nhỏ so sánh để thấy tầm vóc vĩ đại của Đảng, khi chỉ sau 15 năm ra đời, Đảng CSVN đã lãnh đạo dân tộc làm nên Cách mạng tháng Tám thành công, giành chính quyền làm chủ đất nước, sau đó là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Để làm nên thắng lợi vẻ vang, ngoài đường lối đúng đắn làm cách mạng vô sản, Đảng đã huy động được sức mạnh của toàn dân. Chính lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng là cội nguồn sức mạnh đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Nói về lòng yêu nước của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước...”. Không riêng dân tộc Việt Nam, dân tộc nào trên thế giới cũng yêu đất nước mình, nhưng để muôn vạn tấm lòng, niềm tin hội tụ dưới ngọn cờ của Đảng, chung mục tiêu, chí hướng và sẵn sàng hiến dâng tuổi xuân của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, là sức hút từ uy tín của Đảng CSVN.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân đoàn 4, người đã từng tham gia nhiều trận đánh then chốt như Tàu Ô - Xóm Ruộng (năm 1972), Đường 14 Phước Long (năm 1975) cho biết, những người lính bộ đội Cụ Hồ như ông luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, ngoài truyền thống yêu nước, truyền thống của đơn vị hun đúc và rèn luyện, trưởng thành ngay từ khi nhập ngũ, còn vì lời hứa khi trở thành người đảng viên cộng sản. Đã hơn 60 năm trôi qua, nhưng với ông, đó không chỉ là lời hứa mà còn là hành động. “Tôi được kết nạp Đảng năm 1962, khi đang là kế toán trưởng của hợp tác xã. Lúc đó, chỉ có một lời thề duy nhất là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng của người đảng viên, còn sức là còn phục vụ nhân dân” - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Văn Ngoan, nguyên Huyện đội trưởng Phước Long những năm 1990-1996, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện giai đoạn 2002-2015 khẳng định, ông sinh ra và lớn lên trong những năm tháng đất nước chiến tranh nên trưởng thành rất nhanh. Nhập ngũ năm 18 tuổi (1960) tại Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 đóng tại Hải Phòng, tuổi trẻ của ông là những ngày đất nước gian lao, buộc phải cầm súng chiến đấu. Lý tưởng cách mạng đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn để ông và đồng đội ròng rã 5 tháng trời vượt dặm đường dài hành quân vào Nam tham gia chiến đấu. Ngày 8-3-1965 trở thành dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mà ông không thể nào quên - ngày ông được kết nạp vào Đảng ở tuổi 23.
Từ đó đến nay đã gần 60 năm trôi qua, ông vẫn giữ vẹn lời thề của ngày đầu trở thành người đảng viên. “Từ khi vào Đảng, tôi luôn rèn luyện, phấn đấu, giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, khí tiết của người đảng viên, từ đó làm gương cho con cháu, gia đình. Trong quá trình công tác, tôi luôn được cán bộ, đảng viên, các cơ quan, ban, ngành tín nhiệm, tin tưởng giao nhiệm vụ” - Đại tá Nguyễn Văn Ngoan tự hào khi mình đã sống trọn vẹn với Đảng, với nhân dân.
Đảng ở trong dân
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng phải dựa vào dân, cách mạng mới có thể giành được thắng lợi. Đó là bài học vô giá mà Đảng đã đúc rút cho mình trong gần 95 năm qua. Và thực tiễn cách mạng Việt Nam đã khẳng định sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân.
Bà Huỳnh Thị Minh Tuyết, nguyên Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá (giai đoạn 1968-1972), thương binh ¼, vẫn chưa quên những ngày gian khổ làm cách mạng được nhân dân che chở: “Có những ngày chúng tôi đụng độ địch 3-4 lần. Chúng tôi không giỏi gì đâu. Sở dĩ đơn vị tôi trụ được là nhờ dân - là cơ sở cách mạng - và cả những người có con em trong hàng ngũ địch nhưng họ thấy cuộc cách mạng của mình là chính nghĩa nên rất ủng hộ. Cơm, áo, gạo, tiền… tất cả là của dân. Có những trận đánh rất ác liệt nhưng bà con đều bảo vệ, đùm bọc mình. Nếu không có dân, chúng tôi rất dễ bị tiêu diệt”.
Chính sự đùm bọc của nhân dân địa phương mà Đội biệt động Bà Rá dù có mất mát, hy sinh nhưng vẫn vững vàng trong những năm tháng chiến đấu ác liệt, góp phần quan trọng vào chiến thắng Phước Long ngày 6-1-1975.
Đã đi theo cách mạng thì phải chiến đấu vì lý tưởng của mình đến hơi thở cuối cùng, nhất là những đồng chí đã được vào Đảng thì phải giữ trọn lời thề. Mình tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào ngày thắng lợi và tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân. Dân ở trong lòng địch nhưng họ vẫn dám nuôi mình. Với sức mạnh của lòng dân, với niềm tin vào Đảng nên chúng tôi quyết tâm chiến đấu đến cùng và chiến thắng.
Bà HUỲNH THỊ MINH TUYẾT, nguyên Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá (giai đoạn 1968-1972)
Không bao giờ bỏ Đảng
“Không bao giờ bỏ Đảng” là lời quả quyết của Đại tá Ngô Hồng Lập, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 khi trao đổi với chúng tôi. Trong căn nhà yên tĩnh của ông ở phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, ông say sưa kể về câu chuyện 58 năm trước, khi ông được kết nạp vào Đảng trong hoàn cảnh rất đặc biệt: Gia đình ông theo đạo Công giáo. Đại tá Ngô Hồng Lập bồi hồi nhớ lại: “Bố tôi đi làm cách mạng, anh em tôi cũng đi làm cách mạng. Lúc đó tôi nghĩ, gia đình mình được Đảng, được nhân dân tin tưởng, vận động… Vậy mình có làm được không?”.
Những băn khoăn của tuổi trẻ đã nhanh chóng có câu trả lời. Ông nhập ngũ với niềm say mê lý tưởng, niềm tự hào của một người đảng viên cộng sản, vào Nam tham gia chiến đấu và lập được nhiều thành tích xuất sắc. “Đảng viên là một, cựu chiến binh là hai, tôi không thể bỏ mà thường xuyên phát huy trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đi chỗ nào tôi cũng được đánh giá là đảng viên tốt. Dù 80 tuổi nhưng tôi vẫn không nghỉ, cố gắng đóng góp những gì trong khả năng của mình. Tôi hứa mãi mãi sẽ là một đảng viên, cựu chiến binh gương mẫu. Đã thề rồi thì phải giữ lời” - Đại tá Ngô Hồng Lập khẳng khái cho hay.
Những người con ưu tú của Đảng, dù đã ở tuổi 80, ngoài 80 như Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, Đại tá Ngô Hồng Lập, Đại tá Nguyễn Văn Ngoan hay cựu chiến binh Huỳnh Thị Minh Tuyết và nhiều đảng viên khác, Đảng vẫn là tình yêu, lẽ sống. Đã cống hiến, hy sinh suốt thời tuổi trẻ, nhưng với những đảng viên kỳ cựu này, khi Đảng cần, họ vẫn xung phong.
Nguồn tin: Nguyễn Dung theo Báo Bình Phước online:
Ý kiến bạn đọc