Biến ước mơ thành hiện thực
Sinh ra và lớn lên tại xứ sở cao su Bình Phước, hàng ngày tận mắt chứng kiến trong quá trình chăm sóc cây trồng, người nông dân phải tiếp xúc rất nhiều với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt, trong những năm gần đây, giá mủ xuống thấp cùng với bệnh rụng lá do nấm Corynespora xuất hiện trên diện rộng làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng mủ, gây tâm lý lo ngại trong người trồng cao su. Từ đó, anh Lĩnh ấp ủ mong ước sáng chế ra máy móc phục vụ sản xuất giúp giải phóng sức lao động, bảo vệ sức khỏe, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.
Để thực hiện ước mơ, anh khăn gói đi học nghề cơ khí. Sau 4 năm cần cù chịu khó, các kiến thức cơ bản về hàn, tiện đã thành thục, năm 2010 anh bắt tay ngay vào nghiên cứu chế tạo máy. Trải qua không ít lần thất bại, 2014 chiếc máy đầu tiên cũng đã ra đời.
Theo đó, dựa trên nguyên lý hoạt động của của máy bơm công nghiệp, nhờ vào lực ly tâm, từ đó, tạo ra sự phối hợp giữa lưu lượng, áp suất, tần suất trọng lực và trọng lượng riêng của chất lỏng tạo thành động năng khiến nước chuyển động. Chiếc máy do anh thiết kế gồm 1 động cơ diesel gắn với 1 chiếc quạt cao tốc 12 cánh, đường kính 0,8 m đặt trong một ống tròn độ dày 0,15 m; đầu ra chiếc quạt gắn với 2 ống sắt loại 114 mm dùng làm ống gia tốc rất cơ động khi di chuyển, trong lòng ống gắn 3 béc phun có thể tháo lắp dễ dàng phù hợp với ý đồ người sử dụng. Ngoài ra, hệ thống máy còn có bồn chứa nước 500 lít và chiếc rơ-moóc máy cày 20 mã lực.
Tuy nhiên, so với các máy phun thuốc hiện có trên thị trường, chiếc máy do anh sáng chế có nhiều nhược điểm ngoài ý muốn như: béc phun lỗ to thì hao phí thuốc nhiều, còn béc phun mịn thì thuốc không bay xa và dễ rơi xuống đầu khi phun. Sau một thời gian suy nghĩ, anh Lĩnh tiếp tục cải tạo lại máy phun đạt hiệu quả cao hơn. Theo đó, sản phẩm từng bước được tối ưu hóa bằng những béc phun cao áp kết hợp những nút xoay, cần gạt điều khiển đặt phía trước xe cạnh ghế ngồi. Chỉ cần thao tác đơn giản là máy có thể điều chỉnh được độ cao, độ mạnh, lượng thuốc, nước khi phun mà chất lượng, năng suất cao gấp nhiều lần so với cách làm thông thường.
Anh Lĩnh chia sẻ, trước đây, để phun thuốc trừ bệnh cho cây cao su, nông dân sử dụng bình phun xịt dạng bơm tay để tạo áp lực. Đối với loại bình phun này, người sử dụng có thể mang trên người để phun xịt vào các vị trí cần phun. Tuy nhiên, loại bình này có thể tích nhỏ, chỉ khoảng 10 - 15 lít nên năng suất thấp. Hơn nữa, nó chỉ cho phép phun xịt đến chiều cao khoảng 10m nên chỉ có thể áp dụng phun xịt cho vườn cây cao su thấp. Đối với vườn cao su có chiều cao cao hơn, nếu cần phun xịt ở vị trí cao hơn 10m, người phun phải leo lên cây để phun nên có thể gặp nguy hiểm và phun được lượng thuốc rất ít.
Theo đó, máy do anh thiết kế có khả năng phun cao ở chế độ tĩnh tối đa 35m và máy phun cao ở chế độ động được 25 - 30m. Ngoài ra, máy còn có khả năng phun thuốc bảo vệ thực vật diệt cỏ và phân bón lá tự động có tầm hoạt động hiệu quả rất cao, một đường phun xa 15 mét, rộng 10 mét trong 1 đường chạy, tùy điều chỉnh gồm 2 ống di chuyển qua lại kết hợp gió phân tán lượng sương lan vào từng ngõ ngách của cây. “Chỉ cần 1 bồn nước 500 lít, tùy vào địa hình, khoảng trong vòng 1 tiếng đồng hồ máy có thể phun được 3 đến 4 ha cao su, so với máy thông thường tiết kiệm được 50% lượng nước và thuốc sử dụng, thời gian phun cũng được rút ngắn hơn 40%, đặc biệt người phun hạn chế tiếp xúc với thuốc, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan", anh Lĩnh tiết lộ.
Không dừng lại ở 2 ứng dụng là phun cao và phun xa, để phát huy hết công năng của máy, anh Lĩnh tiếp tục mày mò nghiên cứu về động lực học của động cơ diesel, dựa trên nền tảng sẵn có, anh đã cải tiến trang thiết bị, tiếp tục sáng chế ra các ứng dụng như thổi lá, xông khói, làm điện áp trị sâu đục thân. Từ chiếc máy chỉ có 2 công năng trở thành chiếc máy “5 trong 1".
Theo đó, đối với chức năng xông khói, thông qua việc tận dụng nhiệt từ ống pô ô tô xả của động cơ diesel kết hợp bộ chế hoà khí, khi khởi động máy, động cơ máy sẽ tạo ra nhiệt độ cao và áp lực dòng khí, sau đó được truyền dẫn đến bộ phận chứa thuốc bằng cách thông qua đường ống và hệ thống van một chiều. Tiếp đó bộ phận van thuốc sẽ được mở ra, nhờ áp lực có trong bình thuốc, thuốc được ép vàp ống dẫn để di chuyển lên bộ phận đốt của máy phun. Dung dịch tạo khói lúc này sẽ được đốt tại đây để tạo thành khói và đồng thời khi đó phần dung dịch thuốc sẽ được phun vào khói. Sau đó, dung dịch thuốc ở trong khói được phun ra từ hệ thống vòi phun. Lúc này thuốc sẽ lan rộng, khuếch tán trong không trung, các loại côn trùng, sâu bệnh sẽ bị tiêu diệt nhanh chóng.
Đối với chức năng thổi lá phòng chống cháy mùa khô, tận dụng quạt cao áp và máy phun thuốc sẵn có, anh thiết kế thêm hệ thống ống thổi hai bên thân xe và một bộ phận đóng mở chuyển đổi gió qua lại từng bên giúp cho việc thổi tém các đường biên được dễ dàng hơn. Tầm hoạt động mỗi đường thổi của mỗi bên xe là 5m giúp cho việc thổi lá nhanh hơn. Tương tự, đối với chức năng tạo xung điện, anh Lĩnh tận dụng nguồn điện phát ra từ một diamo trên xe, sau đó lắp đặt thêm bộ biến tần tạo thành dòng diện có cường độ cao để diệt sâu đục thân, một trong những loại sâu khó trị nhất hiện nay.
Từ chiếc máy đầu tiên đến chiếc máy được cải tiến, nâng cấp để thực hiện 5 chức năng trong 1, sản phẩm của anh Lĩnh đều đã chiếm trọn niềm tin của không chỉ bà con canh tác cao su, điều, cây ăn quả mà các công ty cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước tìm đến để được sử dụng qua sản phẩm. Đặt biệt, không ít doanh nghiệp có tiếng tại TP.HCM cũng có nhã ý hợp tác đầu tư, sản xuất đại trà.
Là khách thường xuyên sử dụng máy, ông Phạm Hồng Tư, phường Phước Bình,TX. Phước Long cho biết, gia đình ông có hơn 5 ha cao su và 2 ha cây ăn quả các loại, trước đây để phun thuốc BVTV cây trồng, ông chủ yếu sử dụng các loại máy phun thông thường. Trung bình mỗi ha ông phải mất hàng giờ đồng hồ và tiêu tốn hết 6 triệu tiền công và thuốc, nhưng hiệu quả không cao do lực phun không mạnh, máy chỉ phun được lớp lá dưới của cây. Tuy nhiên, khi sử dụng máy anh Lĩnh sáng chế thì bồn 1.000 lít cùng với lượng thuốc tương tự nhưng có thể phun đến 3 thậm chí 4 ha và chất lượng cao hơn do thuốc phun có thể tiếp xúc cả 2 mặt lá. “Không chỉ giúp tiết kiệm hơn 60% chi phí, mà máy này còn giúp lưu lượng thuốc được phun lên cây vừa đủ để cây hấp thụ, vừa bảo vệ sức khỏe người dùng, vừa tránh gây ô nhiễm môi trường so với cách làm truyền thống", ông Tư phấn khởi nói.
Theo anh Lĩnh, từ 2016 đến nay, anh đã cung cấp hàng trăm chiếc máy cho bà con trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, từ chiếc máy của gia đình, mỗi năm anh nhận phun thuốc cho trên 1.000 ha ca su, điều và cây ăn trái cho người dân địa phương. “Nhiều người cũng muốn mua bản quyền chiếc máy nhưng tôi không bán, bởi nếu bán bản quyền cho người khác và họ nâng giá lên, người nông dân sẽ là người chịu thiệt đầu tiên. Để sản phẩm đến tay nhiều người tiêu dùng, tôi mong muốn được nhà nước tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất phục vụ nhu cầu cho người dân", anh Lĩnh bộc bạch.
Với những sáng chế hữu ích, anh Nguyễn Văn Lĩnh đạt giải nhì cuộc thi sáng tạo trong tầm tay trong lĩnh vực Nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ 2019 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, và giải 3 trong cuộc thi ý tưởng VRG do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức.
Nguồn tin: K.C theo Báo NNVN
Ý kiến bạn đọc