Hè đang đến cũng là lúc mùa vải nở rộ, đây là thứ quả có hương vị thơm ngọt đặc trưng được nhiều người yêu thích, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên cha mẹ lưu ý khi cho con ăn vải bởi ngoài gây nóng, phát rôm sởi ra thì khi ăn vải trẻ có thễ dễ dàng bị hóc, nghẹn và tử vong.
Đã có nhiều trường hợp trẻ phải nhập viện khẩn cấp do hóc dị vật là hạt vải, như cháu Bùi Gia Huy (đến từ Hòa Bình) được bố mẹ đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng đờm dãi nhiều, xây xát vùng miệng. Mẹ bé cho biết khi đang ăn vải cùng mọi người, đột nhiên bé Huy bị ho sặc sụa, tím tái và khó thở. Rất may chị đã nhanh chóng áp dụng kỹ thuật xử lý khi trẻ bị hóc dị vật kịp thời, nhờ đó bé bảo toàn được tính mạng.
Trước đó ở Hà Nội đã có trường hợp bé trai Nguyễn Việt Hà, 6 tuổi sau khi ăn vải xong toàn thân đột ngột tím tái, khó thở. Bé đã được đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch, tuy các bác sĩ đã dùng mọi cách cứu chữa nhưng do cháu nhập viện quá muộn nên mọi nỗ lực đều thất bại. Trong quá trình cấp cứu các bác sĩ đã lấy ra được 1 quả vải trong cổ họng cháu.
Qua 2 trường hợp ở trên cha mẹ càng nên chú ý mỗi khi cho con ăn vải, bởi loại quả này hạt khá to, khi trẻ bị hóc sẽ vô cùng nguy hiểm. Thậm chí trẻ có thể còn nuốt nguyên cả quả vải xuống họng gây khó thở và tử vong, như trường hợp của cháu Nguyễn Việt Hà ở trên.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi ăn vải cha mẹ nên lưu ý một số điều sau:
- Tách hạt ra cho con: Vải là 1 loại quả trơn, để an toàn thì các mẹ nên tác bỏ hạt ra cho trẻ trước khi ăn.
- Không cho trẻ ăn quá nhiều: Loại quả này có lượng đường cao, vị ngọt lịm, nếu cho trẻ ăn quá nhiều rất gây ra nóng và dị ứng.
- Chú ý quan sát khi con đang ăn vải: Tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nên cha mẹ luôn cần để mắt đến con trẻ. Nếu trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên bóc sẵn hạt cho cho con, nếu bé đã lớn hơn một chút cha mẹ có thể dạy con cách ăn vải an toàn: cắn từng chút một và không cho hẳn cả quả vào mồm để ăn.
- Nếu trẻ không may bị hóc, cha mẹ cần thực hiện ngay thủ thuật Heimlich để sơ cứu và đưa trẻ nhập viện ngay lập tức. Tuyệt đối không cố gắng móc họng trẻ hay vuốt xuôi dị vật xuống.
Cách áp dụng thủ thuật Heimilich như sau:
Trường hợp trẻ còn tỉnh
Để cho trẻ đứng. Người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên thật mạnh và liên tiếp.
Trường hợp trẻ hôn mê, bất tỉnh
Đặt trẻ nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp từ dưới lên trên.
Trong tình huống bệnh nhân hôn mê và không thở được thì trước tiên phải bắt đầu bằng hà hơi thổi ngạt 2 cái. Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì cần thì kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn, cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân khóc, thở được, hồng hào hơn.
Cha mẹ lưu ý sau các bước sơ cứu mà trẻ vẫn không hóc được dị vật ra thì cần nhanh chóng đưa đến viện cấp cứu ngay lập tức.
Nguồn tin: Báo Doanh nghiệp Việt Nam
Ý kiến bạn đọc