Tháng 11/2018, Trung Quốc đã giới thiệu với thế giới cặp đôi Lulu và Nana, những đứa trẻ đầu tiên được ra đời thông qua phương pháp biến đổi gen.
Tác giả của công trình này là một nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Khoa học & Công nghệ Nam Phương (Thâm Quyến, TQ) do nhà nghiên cứu Jiankui He dẫn đầu. Nhóm này đã sử dụng công cụ chỉnh sửa gen CRISPR để vô hiệu hóa gen CCR5. Theo lý thuyết, CCR5 là nguồn gốc dẫn đến việc mắc loại virus gây suy giảm khả năng miễn dịch ở người.
CRISPR là công cụ chỉnh sửa gen được phát triển vào năm 2012. Khả năng can thiệp vào bộ gen của CRISPR khiến nó được ví von với một cặp kéo phân tử. Công nghệ này có tiềm năng rất lớn đối với nông nghiệp, công tác bảo tồn, phát triển thuốc và cách tạo ra những phương pháp chống lại các căn bệnh di truyền.
Tuy vậy, nghiên cứu của trường Đại học California dựa trên 400.000 hồ sơ y tế cho thấy, tuổi thọ trung bình của những người có gen CCR5 không hoạt động thấp hơn so với nhóm CCR5 hoạt động. Theo đó, tỷ lệ tử vong của nhóm người mà gen CCR5 không hoạt động cao hơn tới 21% so với thông thường, đặc biệt là trong nhóm tuổi từ 41-78.
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra khả năng liên hệ của gen CCR5 và bệnh cúm. Theo đó, nếu gen CCR5 của một người bị vô hiệu hóa, khả năng bị cúm của người đó có thể tăng từ 3 đến 4 lần.
Trong một đoạn video được chia sẻ trên mạng, ông Jiankui He - trưởng nhóm nghiên cứu cho biết họ đã thay đổi gen của bảy cặp vợ chồng, từ đó đến nay, một người phụ nữ trong số đó đã mang thai.
Dù kết quả ban đầu của nhóm nghiên cứu đã cho thấy sự thành công nhất định, việc làm này vẫn gây ra nhiều tranh cãi trong giới khoa học. Những ý kiến phản đối cho rằng hành động cho ra đời những em bé biến đổi gen đáng phải bị lên án vì lý do nhân đạo.
Sau Trung Quốc, người Anh cũng đã sử dụng CRISPR để chỉnh sửa phôi người hiến tặng nhằm nghiên cứu kỹ hơn về bộ gen của cơ thể người. Nhật Bản cũng là một quốc gia đang phát triển những nghiên cứu tương tự.
Nguồn tin: Kiên Cường - theo Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc