THU LỢI HÀNG TRĂM TRIỆU ĐỒNG/NĂM
Những năm trước, điện lực các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên thực hiện sửa chữa lưới điện, trong đó thu hồi dây cũ tốn rất nhiều công sức, nhân công. Với cách làm truyền thống, công nhân phải tự thay dây bằng tay, như tháo dây cũ và kéo dây mới lên trụ. Trung bình mỗi ngày thay khoảng 2km, sau đó cuốn dây cũ lại bằng tay. Công việc cuốn dây thu hồi bằng tay rất khó khăn, vất vả, phải huy động hơn 10 người và cần nhiều thời gian mới thực hiện xong 2km dây. Lúc đầu, số lượng vòng dây ít nên dễ quấn nhưng càng về sau số vòng dây càng nhiều, tiết diện dây càng lớn lại càng khó khăn, vất vả hơn, nhất là gặp trời mưa, nắng gắt.
Trước thực trạng đó, một số đơn vị đã sử dụng hệ thống truyền động của xe cẩu. Phương pháp này tuy giải phóng được rất nhiều nhân công nhưng không an toàn, còn nhiều hạn chế... Nhằm khắc phục những hạn chế, nhóm tác giả Nguyễn Trần Trí Linh, Nguyễn Hoài Phương, Phạm Quang Thọ, Hồ Hải Văn đã nghiên cứu thực hiện sáng kiến “Chế tạo máy quấn dây thu hồi và tăng dây lấy độ võng sử dụng motor thủy lực”. Với nguồn thủy lực có sẵn của xe tải cẩu, kết hợp với van chia, van điều khiển, hệ thống ống dẫn dầu, các đầu mối liên kết motor thủy lực tạo ra 2 chiều vòng quay “tới hoặc lùi”. Sau đó, liên kết với khung tời bằng bánh răng truyền động.
Với cách làm này, chỉ cần 1 người điều khiển cần gạt làm cho motor quay là có thể vận hành xuyên suốt quá trình quấn dây cũ, đồng thời kéo dây mới thay thế. Trung bình mỗi ngày thi công hơn 6km đường dây trung, hạ thế với tất cả tiết diện dây. Sau khi hoàn thiện, sáng kiến được áp dụng tại 11 chi nhánh điện lực trong toàn tỉnh và được công nhận sáng kiến cấp tỉnh năm 2017. Sáng kiến có ưu điểm giá thành rẻ, chi phí đầu tư thấp, đảm bảo an toàn giao thông, giảm thời gian cắt điện, tiết kiệm sức lao động và nhân công vận hành. Sau khi áp dụng, giải pháp làm lợi cho toàn công ty 387 triệu đồng/năm.
Tiếp nối thành công, sáng kiến “Dụng cụ nâng dây dẫn có tiết diện lớn khi thi công, sửa chữa lưới trung áp” của nhóm tác giả Nguyễn Trần Trí Linh, Đào Trọng Kiên, Hà Thọ Linh hiện được ứng dụng rộng rãi trong toàn công ty và được công nhận sáng kiến cấp tỉnh năm 2019. Trước đây, công việc nâng đỡ dây dẫn tại các vị trí trụ đỡ có tiết diện dây lớn từ puly hoặc từ đà vào sứ linepost thường dùng sức người nâng, gánh để đưa lên sứ. Công việc này rất khó khăn và nặng nhọc đối với công nhân, vì trọng lượng dây khi đó tương đối lớn từ 70-90kg tùy từng khoảng trụ. Sáng kiến bao gồm bộ phận tời cáp thép liên kết với bộ phận khung giá đỡ bằng sắt để dẫn động cáp thép kéo, nâng dây dẫn từ đà hoặc puly vào sứ linepost. Dụng cụ được lắp vào đà hoặc vào trụ một cách chắc chắn. Giải pháp này sẽ giúp tăng khối lượng công việc hoàn thành lên 80-90% hoặc giảm nhân công xuống còn 50-60%; công nhân thực hiện thao tác dễ dàng và tiện lợi. Ngoài ra, sáng kiến đã giúp Công ty Điện lực Bình Phước giảm thời gian cắt điện, tăng độ tin cậy điện năng và chất lượng điện năng.
Hay như sáng kiến “Dụng cụ thay rắc trụ dừng và trụ góc hạ áp” của nhóm tác giả Nguyễn Trần Trí Linh, Nguyễn Duy Cường, Nguyễn Hoài Phương, Trần Tấn Toàn được Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh công nhận năm 2018. Sáng kiến có rất nhiều ưu điểm được áp dụng rộng rãi cho 11 điện lực huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh, vì giảm thời gian, chi phí, nhân công, nâng cao năng suất lao động. Tổng giá trị làm lợi cho Công ty Điện lực Bình Phước hơn 150 triệu đồng/năm.
TIẾT KIỆM GẦN 14,5 TRIỆU KWH/NĂM
Điện lực Đồng Phú có 58 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó có 21 đảng viên. Đơn vị quản lý 293,24km đường dây trung áp, 245,723km đường dây hạ áp với 433 trạm biến áp phân phối, tổng công suất 137.425kVA. Tổng khách hàng sử dụng điện hơn 17 ngàn hộ, chiếm 98,8% tổng số hộ dân toàn huyện.
Nhằm giảm tổn thất điện năng, đơn vị đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể: Bọc hóa 4.413km đường dây trung áp 3 pha, 20.346km đường dây trung áp 1 pha. Cấy mới 5 trạm biến áp, trong đó xây dựng cơ bản 1 trạm, chống quá tải 4 trạm. Đồng thời tăng cường phát quang nhằm hạn chế cây xanh chạm vào lưới điện gây sự cố và tổn thất điện năng; vận động nhân dân giải tỏa những cây xanh trong hành lang lưới điện và khu vực giải tỏa đầu tư xây dựng cơ bản. Với nhiều giải pháp cụ thể, chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng năm 2019 lũy kế đạt 1,36%, thấp hơn kế hoạch công ty giao 1,56% và thấp hơn năm 2018 là 1,91%. Song song đó, đơn vị thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện như tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ dân, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, khuyến khích khách hàng sử dụng đèn led thay thế đèn compact, neon, sợi đốt; sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời, thay thế các loại máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu tiêu hao nhiều năng lượng điện. Thực hiện tiết kiệm lũy kế đến tháng 11-2019 giảm gần 14,5 triệu kWh (tương đương khoảng 24 tỷ đồng), giảm 7,91%, vượt so kế hoạch trên giao 6,21%. Điện thương phẩm năm 2019 đạt 228,6 triệu kWh, tăng 73,1 triệu kWh so với năm 2018; doanh thu năm 2019 đạt hơn 400 tỷ đồng, tăng 142,5 tỷ đồng so với năm 2018; trong đó, lợi nhuận đạt hơn 52 tỷ đồng, vượt kế hoạch công ty giao trên 26 tỷ đồng.
Sự nỗ lực phấn đấu của cả tập thể đã góp phần đưa Điện lực Đồng Phú luôn dẫn đầu phong trào thi đua của toàn Công ty Điện lực Bình Phước, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam, UBND tỉnh Bình Phước tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua xuất sắc và các phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, đầu năm 2020, Điện lực Đồng Phú vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Những năm qua, việc đưa ra sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất được Ban giám đốc và Công đoàn công ty đặc biệt chú trọng, đề ra chỉ tiêu phấn đấu thực hiện từ đầu năm. Từ đó, phong trào thi đua sáng kiến, hiến kế được cán bộ, viên chức đơn vị tích cực hưởng ứng với nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, hiệu quả cao trong thực tiễn. Từ năm 2014 đến nay, đơn vị có 4 đề tài cấp tỉnh, 1 đề tài cấp huyện với hơn 33 triệu đồng tiền thưởng. Tổng giá trị làm lợi khoảng 785 triệu đồng/năm; 19 cá nhân được hội đồng xét sáng kiến công nhận.
Giám đốc Điện lực Đồng Phú Nguyễn Trần Trí Linh
Nguồn tin: K.C theo Hữu Phước (Bình Phước online)
Ý kiến bạn đọc