Thuốc trừ rệp thân thiện với môi trường
Đây là sản phẩm của Nguyễn Tiến Dũng, học sinh lớp 11TN3, Trường THPT Đồng Xoài. Nói về sản phẩm của mình, Dũng cho biết, thấy cha mẹ cũng như người thân thường xuyên phải tiếp xúc với những loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại khi phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Sau mỗi lần phun thuốc, em thấy những sinh vật có ích cho con người cũng bị chết theo... Từ những lý do đó, em đã suy nghĩ, trong đông y đã sử dụng những cây thuốc nam để trị bệnh cho người. Vậy, tại sao chúng ta không dùng các loại cây, lá… để trừ sâu bệnh?
Trên thực tế, cũng có người sử dụng thảo dược để trị bệnh cho cây, nhưng chủ yếu trị các loại sâu ăn lá thông thường, còn tiêu diệt rệp xanh chưa phổ biến. Qua tìm hiểu, Dũng đã chọn lá của cây bạch hoa xà đuôi công kết hợp muối ăn để chế dung dịch thảo dược làm thuốc trừ bệnh rệp xanh trên cây cải và ổi. Bởi trong loại cây này có tính kháng nấm, kháng khuẩn và kháng rệp, gồm hợp chất phenol, chitranon, zeylenon…
Giới thiệu về cách làm của mình, Dũng cho biết: Em chọn lá của cây bạch hoa xà đuôi công sẵn có trong tự nhiên mang về rửa sạch, rồi xay nhuyễn kết hợp thêm một ít muối hòa tan vào, lọc lấy nước để pha chế dung dịch. Tùy vào bệnh nặng hay nhẹ để pha chế theo tỷ lệ thích hợp gồm: 300g lá bạch hoa xà đuôi công, 30g muối ăn và 500ml nước, lọc lấy dung dịch dạng nước hoặc cô đặc. “Khi sử dụng, chúng ta có thể phun trực tiếp lên cây bị bệnh, nhất là có thể trừ được rệp xanh trên rau cải và cây ổi rất hiệu quả. Đặc biệt, dung dịch được pha càng đậm đặc thì khả năng trừ rệp xanh trên cây càng nhanh hơn. Lá cây bạch hoa xà đuôi công mọc ở tự nhiên hoặc trồng nhiều trong các nhà dân, vì vậy việc tìm kiếm khá dễ” - Dũng cho biết.
Cách thực hiện để pha chế thành dung dịch rất đơn giản nên có khả năng ứng dụng vào thực tiễn, lại ít tốn kém. Sử dụng sản phẩm này không gây ô nhiễm môi trường, không hại cho người và gia súc, gia cầm, các sinh vật có ích trong hệ sinh thái. “Hiện sản phẩm của em đã được gia đình và một số hộ dân trồng rau, cây ăn trái sử dụng rất hiệu quả” - Dũng chia sẻ.
Sáng tạo xe đạp nổi di chuyển trong vùng lũ
Ý tưởng cho sản phẩm này của 2 em Phạm Hữu Đại và Đặng Quốc Huy, học sinh lớp 9A1 Trường THCS Minh Hưng, huyện Bù Đăng dựa trên việc tìm hiểu, quan sát thực tế đời sống của người dân ở địa phương thường xảy ra mưa lũ. Đặc biệt ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng dễ bị cô lập do mưa lũ. Từ thực tế đó, nhóm tác giả đã thiết kế thành công sản phẩm “Xe đạp nổi để di chuyển trong vùng lũ”. Sản phẩm này không chỉ giúp người dân di chuyển trong lũ lụt mà có thể dùng làm phương tiện tập thể dục hay ứng dụng vào các hoạt động trải nghiệm trên vùng sông nước.
Phạm Hữu Đại cho biết, các vật liệu để làm ra sản phẩm rất đơn giản, sẵn có như: Khung sắt V400 (thiết kế có thể di chuyển dễ dàng), ống nhựa phi 114 (có thể tháo rời), 1 khung xe đạp tái chế đã thiết kế làm gọn theo hướng hoạt động trên mặt nước, bộ nhông sên 2 xích, 2 líp (1 xích líp gắn với trục đạp, 1 xích líp dùng để nối cục di-na-mô với trục đạp), mô-tơ trong xe điện đồ chơi trẻ em, 1 bộ nạp điện, 1 bình ắc-quy, bóng đèn, chuông báo, vòng tròn bằng nhựa.
Khi nước dâng lên, hệ thống làm nổi bằng khung sắt và ống nhựa như một chiếc phao. Phần trước thiết kế theo hình mũi tên để hệ thống dễ dàng di chuyển. Trên phao nổi đã gắn cố định khung xe đạp. Phần trước bỏ bánh trước, thiết kế vào đó một bánh lái lớn để người dùng dễ dàng điều khiển theo hướng mong muốn. Bánh sau bỏ lốp chỉ còn lại vành, sau đó thiết kế quạt nước để khi đạp xe di chuyển dễ dàng. Phía trên, thiết kế yên xe với kích thước rộng để người điều khiển xe thấy thoải mái và có thể chở thêm người ngồi sau tùy vào trọng lượng.
Quốc Huy cho biết thêm, trong quá trình đạp xe di chuyển trên mặt nước, sản phẩm có gắn di-na-mô nối với trục đạp bằng một dây xích và một ổ líp tự chế tạo trên di-na-mô giúp sản sinh ra dòng điện. Dòng điện này theo dây dẫn dự trữ vào bình ắc-quy. Nguồn năng lượng này từ bình ắc-quy 12V sẽ là nguồn năng lượng để hoạt động một số thiết bị. Phía sau xe gắn mô-tơ làm quay quạt nước nhờ nguồn năng lượng điện tự sinh qua quá trình đạp. Bộ phận này sẽ hỗ trợ tốc độ di chuyển của phương tiện. Điện làm sáng đèn chiếu sáng, ngoài ra còn làm đèn nháy cứu hộ khi cần thiết, khẩn cấp. Trên thành khung có gắn những vòng tròn nhựa. Nếu người dùng không may bị rơi xuống nước thì có thể bám vào những vòng tròn phía sau xem hệ thống như một phao nổi và sẽ an toàn. Hệ thống có thể làm nổi cho khoảng 8-10 người.
Với những ưu điểm vượt trội, mang tính ứng dụng cao, sản phẩm của các em Nguyễn Tiến Dũng, Phạm Hữu Đại và Đặng Quốc Huy hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích trong cộng đồng. Chính vì những lợi ích đó nên sản phẩm “Thuốc trừ rệp xanh” và “Xe đạp nổi để di chuyển trong vùng lũ” của các em đã cùng đạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Phước lần thứ XIV, năm 2020-2021. Đây là phần thưởng xứng đáng để khích lệ, động viên các em có thêm đam mê nghiên cứu nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ cộng đồng trong thời gian tới.
Ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Phước vừa ban hành thể lệ cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ XV, năm 2021-2022. Theo đó, các mô hình, sản phẩm tham dự cuộc thi thuộc các lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; các giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Thời gian tổ chức cuộc thi từ tháng 10-2021 đến tháng 6-2022. Thời hạn cuối cùng nhận hồ sơ dự thi cấp tỉnh hết ngày 30-5-2022. Tổ chức lễ trao giải cuộc thi cấp tỉnh và trưng bày triển lãm các mô hình, sản phẩm dự thi vào tuần cuối tháng 9-2022.
Địa điểm nộp hồ sơ dự thi: Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước, số 50 Nguyễn Chí Thanh, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước; điện thoại/Fax: (0271) 3888 993; Email: thanhthieuniennhidongbp@gmail.com; Website: www.lienhiephoibinhphuoc.vn. Các thí sinh dự thi nộp hồ sơ trực tiếp tại ban tổ chức các huyện, thị xã, thành phố nơi cư trú. Ban tổ chức cuộc thi các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm nhận hồ sơ dự thi, đánh giá sơ tuyển và nộp hồ sơ về ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh tại Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước trước ngày 30-5-2022.
Nguồn tin: Thanh Hà theo Báo Bình Phước online
Ý kiến bạn đọc