Ngay từ khi mới thành lập, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH) luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên, đồng thời cũng là trách nhiệm của trí thức KH&CN đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Cụm từ phản biện và giám định xã hội lần đầu tiên được nêu trong chỉ thị 35-CT/TW ngày 11/4/1988 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI về củng cố tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Trên cơ sở Chỉ thị số 35-CT/TW, Thông báo số 37-TB/TW ngày 20/11/1992 ý kiến của Ban Bí thư về tổ chức và hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ban hành quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đây là lần đầu tiên có một văn bản của Thủ tướng Chính phủ về TVPB&GĐXH dành riêng cho Liên hiệp Hội Việt Nam. Điều này cho thấy, các cơ quan Đảng và Nhà nước đã ghi nhận những đóng góp của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên cho xã hội và đất nước. Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg chính là cơ sở pháp lý quan trọng để Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên tổ chức hoạt động TVPB&GĐXH một cách chính thức và bài bản.
Sau khi có Quyết định 22/2002/QĐ-TTg, hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên được triển khai mạnh mẽ hơn và được tiếp tục khẳng định tại nhiều văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước như Thông báo số 145-TB/TW ngày 9/7/2004 ý kiến kết luận của Ban Bí thư Trung ương về việc tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW đối với LHHVN trong giai đoạn đến năm 2010; Quyết định số 650/QĐ-TTg ngày 24/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam, Nghị định số 45/2010/NĐ/CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội…
Đặc biệt, năm 2010, trước thềm Đại hội VI của Liên hiệp Hội Việt Nam, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh việc ghi nhận các kết quả hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam, Chỉ thị đã yêu cầu Liên hiệp Hội Việt Nam đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm “chủ động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong quá trình xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các chương trình, dự án, đề án lớn về phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, kinh tế - xã hội trước khi cấp có thẩm quyền quyết định”. Đồng thời, Chỉ thị cũng yêu cầu tiếp tục: “sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến Liên hiệp Hội Việt Nam, …xây dựng cơ chế hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tham gia các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo đảm môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo của trí thức khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày ngày 15/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm tổ chức diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội là kết quả của việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 42-CT/TW và Ban Bí thư tại Thông báo số 353-TB/TW.
Với sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan Đảng và Nhà nước, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên ngày càng đi vào nề nếp và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trong nhiệm kỳ qua, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên đã tập hợp, đoàn kết trí thức để góp ý, phản biện một cách khách quan và thẳng thắn trên 3.000 nhiệm vụ, trong đó có nhiều đề án về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng; nhiều chương trình, dự án lớn, công trình quan trọng quốc gia; chương trình, dự án lớn của ngành, lĩnh vực và địa phương.
Được giao là một trong 3 đơn vị thí điểm tổ chức diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức theo quyết định số 501/QĐ-TTg, Liên hiệp Hội Việt Nam đã chủ động và tích cực triển khai 37 diễn đàn, trong đó có nhiều diễn đàn có tính thời sự cao, nhận được sự quan tâm của trí thức và cộng đồng. Diễn đàn vừa là kênh thông tin, vừa là môi trường để trí thức bày tỏ quan điểm, phát huy trí tuệ tham mưu, tư vấn, đề xuất giải pháp với các cơ quan Đảng và Nhà nước đối với những vấn đề lớn nảy sinh trong xã hội.
Phát huy vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tham gia nhiều hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam sát thực hiện Nghị quyết TW6 (khóa XI) về phát triển khoa học, công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ tại các địa phương, tham gia Giám sát việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế tư; giám sát việc thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm v.v..
Có thể nói, hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật và thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế xã hội quan trọng của ngành cũng như của đất nước. Hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam đã và đang trở thành một kênh thông tin đáng tin cậy giúp Đảng và Nhà nước khi xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Tại Kết luận số 93-KL/TW, ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thưc hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã kết luận: “Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có những đóng góp quan trọng, thiết thực vào việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Đây cũng là sự ghi nhận, động viên của Đảng và Nhà nước về kết quả đạt được của Liên hiệp Hội Việt Nam trong hoạt động TVPB&GĐXH.
Để Liên hiệp Hội Việt Nam làm tốt hơn nữa công tác TVPB&GĐXH, xứng đáng với sự ghi nhận và kỳ vọng của các cơ quan Đảng và Nhà nước, chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Liên hiệp Hội Việt Nam một số nội dung sau:
1. Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục chỉ đạo các cơ quan QLNN ở trung ương và địa phương hoàn thiện môi trường pháp lý về tổ chức và hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam, tạo môi trường thuận lợi cho trí thức tham gia hoạt động và đóng góp cho đất nước, nhất là trong hoạt động TVPB&GĐXH.
2. Đề nghị Bộ KH&CN tham mưu Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg theo hướng quy định cụ thể hơn các nội dung bắt buộc phải có TVPB&GĐXH của các hội chuyên ngành, quy định việc đặt hàng của Đảng và Nhà nước đối với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội;
3. Đề nghị Bộ tài chính xem xét, sửa đổi bổ sung thông tư số 11/2015/TT-BTC đối với hoạt động TVPB&GĐXH phù hợp với các quy định hiện hành đối với KH&CN.
Đề nghị các chuyên gia, các hội thành viên cần chủ động hơn nữa nâng cao chất lượng hoạt động TVPB&GĐXH, tư vấn, tham mưu các cơ quan Đảng và Nhà nước những vấn đề quan trọng của đất nước, của ngành, lĩnh vực, để hoạt động TVPB&GĐXH thực sự là kênh thông tin tin cậy giúp các cơ quan Đảng và Nhà nước tham khảo trước khi quyết định các vấn đề quan trọng về chủ trương, chính sách./.
Nguồn tin: Hồng Thắm theo Vusta
Ý kiến bạn đọc