Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Cầu đường Việt Nam, Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, Hội Kinh tế Việt Nam, Hội Môi trường giao thông vận tải Việt Nam và các chuyên gia độc lập có liên quan.
Trong những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế. Mạng lưới đường bộ đã bao phủ khắp lãnh thổ và đóng vai trò kết nối chính cho mạng lưới GTVT giữa các vùng, miền, các cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu, đầu mối giao thông quan trọng.
Song vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt được theo các quy hoạch được duyệt một số đoạn cao tốc quan trọng chưa được hoàn thành, mạng lưới đường bộ vẫn còn nhiều hạn chế, mật độ quốc lộ, cao tốc giữa các vùng chưa thực sự đồng đều, còn nhiều điểm nghẽn giao thông trên mạng lưới, thiếu một số kết nối quan trọng giữa đường bộ với một số khu kinh tế, công nghiệp lớn và các phương thức vận tải khác..
Thực hiện Luật quy hoạch, và nhằm đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giữa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch các ngành thì việc triển khai công tác lập quy hoạch giao thông vận tải trong đó đặc biệt là quy hoạch mạng lưới đường bộ sẽ là khâu đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cơ bản đều nhất trí cho rằng Dự thảo Báo cáo quy hoạch được xây dựng tương đối công phu, nội dung chặt chẽ; đã đề cập đến các vấn đề cốt lõi của công tác quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ Quốc gia, có sự kế thừa các quy hoạch trước đó, có sự cập nhật, bổ sung nhiều thông tin cần thiết cho quá trình lập quy hoạch mạng lưới đường bộ.
Trong Báo cáo Quy hoạch cũng đã tính toán đưa ra được nhu cầu về sử dụng quỹ đất, nhu cầu về vốn, các hình thức huy động vốn, yếu tố nguồn nhân lực hay các giải pháp về chính sách là những yếu tố hết sức quan trọng khi xây dựng hạ tầng giao thông.
Phương pháp tiếp cận trong xây dựng quy hoạch lần này cũng có nhiều điểm mới, mang tính khách quan, khoa học. Để quy hoạch mạng đường bộ, các tác giả đã xuất phát từ nhu cầu vận tải đường bộ mà đưa ra mạng đường và quy mô mặt cắt các tuyến đường.
Báo cáo được xây dựng trong khoảng thời gian ngắn, nhưng đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc, thể hiện trách nhiệm cao và khả năng tổ chức thực hiện an toàn và tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của dự thảo quy hoạch, như:
Dự thảo chưa đề cập đến phương pháp luận lập quy hoạch mạng lưới đường bộ Quốc gia với các nguồn thông tin, số liệu cần được thu thập và trình tự xem xét, xử lý các số liệu để đưa vào một số kịch bản phát triển của quy hoạch; Chưa có dự toán cho các kịch bản để trên cơ sở đó lựa chọn kịch bản tối ưu phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Hệ thống giao thông vận tải của một nước là hệ thống thống nhất, cần được sử dụng một cách hợp lý, nhằm phát huy được ưu việt của mỗi phương thức vận tải. Ở quy hoạch đường bộ này vẫn chưa thấy việc sử dụng phối hợp giữa vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác một cách hợp lý, có hiệu quả; chưa tính toán đến tắc nghẽn giao thông ở các cửa ngõ đô thị và trong đô thị diễn ra hàng ngày.
Việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách xây dựng hạ tầng đường bộ theo hình thức PPP chưa có gì đột biến. Điều này do nhiều nguyên nhân như: Cơ chế, chính sách thiếu và chưa phù hợp, do năng lực tài chính doanh nghiệp trong nước nhỏ và cũng do còn tình trạng tham nhũng, thiếu công khai minh bạch kìm hãm.
Tắc nghẽn giao thông trên mạng cao tốc và quốc lộ cũng có lúc xảy ra, nhưng chỉ khi có sự cố, tai nạn giao thông hoặc khi mưa lụt ở miền núi. Nhưng tắc nghẽn giao thông ở các cửa ngõ đô thị và trong đô thị diễn ra hàng ngày mà theo tính toán làm thiệt hại nhiều tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, trong báo cáo quy hoạch chưa đề xuất được giải pháp để giải quyết tình trạng này một cách khả thi.
Dự thảo Quy hoạch đã nêu ra các điều kiện địa hình, địa mạo, địa chất thủy văn và cả những biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nhưng ảnh hưởng của các vấn đề nêu trên đến tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ ra sao thì chưa được đề cập. Để ứng phó được với những ảnh hưởng này, yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình cầu, đường, hầm ra sao cần được bổ sung đầy đủ.
Về phân chia vùng miền, có sự không thống nhất trong toàn bộ dự thảo. Tại chương 6, nhóm tác giả chia thành 6 vùng kinh tế, tuy nhiên tại chương 7, nhóm tác giả chia thành 7 khu vực. Trong khi đó, các bản vẽ với 4 bản đồ chính lại chia thành 4 khu vực, ở một số nội dung khác thì lại chia thành 3 miền. Điều này cho thấy có sự thiếu thống nhất và khó có thể so sánh các yếu tố giữa các vùng, miền…
Một số các bảng, biểu số liệu chưa đánh số thứ tự và chưa có tên, các bảng về đường cao tốc cũng nên phân theo vùng kinh tế, không phân theo vùng địa lý Bắc -Trung - Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cảm ơn Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo góp ý cho Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Đồng chí cho rằng, các ý kiến tại Hội thảo hôm nay rất bổ ích, xác đáng, các bộ phận chức năng của Bộ sẽ tiếp thu và chỉnh sửa lại Dự thảo Quy hoạch theo các ý kiến góp ý của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Nguồn tin: K.Cường
Ý kiến bạn đọc